ISO 22000 Tiêu chuẩn về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là vấn đề quan trọng đối với các doanh nghiệp trong ngành. Vì vậy, ISO đã xây dựng tiêu chuẩn ISO 22000 nhằm giúp các cơ sở kinh doanh thực phẩm có một hệ thống quản lý hiệu quả. ISO 22000 đưa ra những yêu cầu để doanh nghiệp tuân thủ trong quá trình sản xuất và bảo quản. Nhờ đó, các cơ sở có thể kiểm soát được rủi ro trong vệ sinh an toàn thực phẩm. Vậy cụ thể tiêu chuẩn này như thế nào? Hãy cùng phongsachgmp.vn tìm hiểu qua bài viết dưới đây
Mục Lục Bài Viết
1. Tiêu chuẩn ISO 22000 là gì?
1.1. Khái niệm chung
ISO 22000 là tiêu chuẩn về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm do ISO ( International Organization for Standardization ) phát triển được ban hành năm 2005 và bản cập nhật nhất là ISO 22000:2018. Đây là kết quả của phát triển và áp dụng khuyến nghị của ủy ban Codex (Cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm do tổ chức Lương thực và nông nghiệp thế giới (FAO) và tổ chức y tế thế giới (WHO) xây dựng.
Xem thêm: So sánh HACCP và ISO 22000
1.2. Đối tượng áp dụng ISO 22000
Bộ tiêu chuẩn này áp dụng cho tất cả các tổ chức trong chuỗi thực phẩm, không phân biệt quy mô và mức độ phức tạp của tổ chức, bao gồm cả các tổ chức trực tiếp và gián tiếp:
- Các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, thành phần nguyên liệu
- Người thu hoạch động vật hoang dã, nông dân, các trang trại,…
- Các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trữ, phân phối và vận chuyển thực phẩm
- Các tổ chức cung cấp dịch vụ thực phẩm, dịch vụ làm sạch vệ sinh, dịch vụ vận chuyển bảo quản và phân phối
- Nhà cung cấp thiết bị, chất làm sạch, chất khử trùng, vật liệu bao gói và các vật liệu khác tiếp xúc với thực phẩm.
1.3. Nguyên tắc chung của ISO 22000
Các mối nguy về an toàn thực phẩm có thể xảy ra ở mọi giai đoạn trong chuỗi thực phẩm. Do vậy, an toàn thực phẩm được đảm bảo thông qua nỗ lực kết hợp của các bên và cần tuân theo một vài nguyên tắc cơ bản:
- Trao đổi thông tin lẫn nhau
- Quản lý hệ thống
- Các chương trình tiên quyết
- Các nguyên tắc phân tích mối nguy và các điểm kiểm soát tới hạn (HACCP)
Ngoài ra, tiêu chuẩn này cũng dựa trên các tiêu chuẩn quản lý chung của ISO
- Hướng vào khách hàng
- Sự lãnh đạo
- Sự tham gia của mọi người
- Tiếp cận theo quá trình
- Cải tiến
- Quyết định dựa trên bằng chứng
- Quản lý mối quan hệ
2.Tại sao doanh nghiệp cần được công nhận ISO 22000
Việc áp dụng ISO 22000 được coi như một quyết định chiến lược của các doanh nghiệp, bởi nó mang lại những lợi ích lâu dài cho đơn vị đó như là:
- Giúp doanh nghiệp có khả năng cung cấp ổn định thực phẩm an toàn và các sản phẩm dịch vụ có liên quan đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
- Tổ chức sản xuất tốt hơn, kiểm soát hiệu quả các quy trình nội bộ: hệ thống quản lý giúp doanh nghiệp kiểm soát, đồng bộ tất cả các khâu trong quá trình sản xuất.
- Thỏa mãn nhu cầu chất lượng và an toàn ngày càng cao của khách hàng: Một doanh nghiệp có chứng nhận đạt tiêu chuẩn về quản lý an toàn thực phẩm thì sẽ có được sự tin tưởng của người tiêu dùng, tín nhiệm của đối tác.
- Giúp doanh nghiệp giảm tối đa rủi ro, chi phí giải quyết các rủi ro trong an toàn thực phẩm.
- Tăng cơ hội, xuất khẩu, thâm nhập thị trường, thế giới: Hiện nay, rất nhiều nước ưa chuộng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn ISO về an toàn thực phẩm. Vậy nên, đạt tiêu chuẩn ISO 22000 là một điều kiện cần thiết để đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
3. Một số nội dung chính của ISO 22000
- Bối cảnh tổ chức: Doanh nghiệp cần hiểu tổ chức và bối cảnh tổ chức, hiểu nhu cầu và mong đợi của các bên quan tâm, xác định phạm vi của hệ thống quản lý an toàn thực phẩm.
- Sự lãnh đạo: lãnh đạo cao nhất phải chứng tỏ vai trò lãnh đạo và cam kết đối với hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, xác định vai trò, trách nhiệm và quyền hạn trong tổ chức, thiết lập và truyền đạt các chính sách về an toàn thực phẩm.
- Hoạch định: cần có hoạt động giải quyết rủi ro và nắm bắt cơ hội, thiết lập mục tiêu của hệ thống quản lý an toàn và có kế hoạch đảm bảo trong hoạch định các thay đổi.
- Hỗ trợ: tổ chức phải xác định và cung cấp các nguồn lực cần thiết để thiết lập, áp dụng, duy trì cập nhật liên tục về HTQL ATTP, hỗ trợ về năng lực, nhận thức, truyền thông và thông tin tạo điều kiện tốt nhất để duy trì và cải tiến hệ thống quản lý an toàn thực phẩm.
- Vận hành: Doanh nghiệp cần thực hiện chương trình tiên quyết PRP để ngăn ngừa hoặc giảm chất ô nhiễm; thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc các lô nguyên vật liệu, thành phẩm trung gian,…chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp; kiểm soát mối nguy và các hoạt động thẩm tra hiệu quả của các chương trình, kế hoạch vận hành.
- Đánh giá kết quả thực hiện: Tổ chức cần giám sát, đo lường, phân tích và đánh giá khi cần, đánh giá nội bộ theo những khoảng thời gian đã hoạch định,…
- Cải tiến: khi xảy ra sự không phù hợp cần có hành động khắc phục, cập nhật hệ thống quản lý an toàn thực phẩm và cải tiến liên tục.
4. Quá trình xây dựng nhà máy đạt chuẩn ISO 22000
Xây dựng nhà máy đạt chuẩn ISO 22000 cũng giống những quá trình xây dựng nhà máy đạt các tiêu chuẩn khác bao gồm các bước cơ bản như sau:
- Lên phương án đầu tư: Tổng suất đầu tư, diện tích xây dựng, công suất sản xuất, công nghệ thiết bị,…
- Thực hiện các thủ tục pháp lý xin cấp phép xây dựng và các giấy tờ liên quan (phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường,…)
- Quy hoạch mặt bằng tổng thể, thiết kế mặt bằng công nghệ.
- Thiết kế chi tiết thi công
- Lên dự toán chi tiết đầu tư
- Giám sát thi công xây dựng
- Đào tạo ISO cho nhân sự
- Tuân thủ và xây dựng các hồ sơ ISO
- Báo cáo và bảo vệ trước đoàn thẩm định
5. Những khó khăn trong quá trình xây dựng cơ sở đạt chuẩn ISO 22000
- Thời gian đầu tư dài: xây dựng nhà máy đạt chuẩn không chỉ cần đầu tư vào cơ sở vật chất mà còn phải xây dựng hệ thống quản lý và đào tạo nhân lực. Vì vậy, doanh nghiệp cần đầu tư cả thời gian và công sức.
- Phải xây dựng hệ thống quản lý đồng bộ ngay từ đầu đồng bộ, phù hợp với cơ sở vật chất.
- Trình độ về năng lực, kiến thức và sự tuân thủ của nhân viên được yêu cầu khắt khe để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
- Quá trình thiết lập hệ thống, làm hồ sơ phức tạp, dẫn tới còn nhiều vướng mắc. Vì vậy, cần có đơn vị tư vấn ISO, hỗ trợ để xây dựng nhà máy đạt chuẩn ISO cũng như tối ưu các nguồn lực đầu tư.
Nếu doanh nghiệp của bạn đang gặp bất cứ khó khăn nào về quá trình xây dựng, thiết lập hệ thống quản lý an toàn thực phẩm đạt chuẩn ISO 22000, liên hệ với chúng tôi để nhận được tư vấn.
INTECH GROUP hân hạnh trở thành người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp bạn.