Ngành dược được dự báo gặp nhiều khó khăn trong năm 2023
SSI Research nhận định suy thoái kinh tế có thể làm đình trệ chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe. Tăng trưởng của ngành y tế và dược phẩm trong năm 2023 sẽ hạn chế, lợi nhuận có thể ghi nhận mức thấp hơn trước khi khá dần lên.
Tăng trưởng chậm lại
Theo BMI, năm 2022 chứng kiến sự phục hồi mạnh trong chi tiêu chăm sóc sức khỏe. Doanh thu ngành chăm sóc sức khỏe tăng 25% so với năm 2021, đạt 155 nghìn tỷ đồng (6,6 tỷ USD), cao hơn đáng kể so với mức trước Covid (doanh thu năm 2019 đạt 4,7 tỷ USD). Năm 2021 là mức nền thấp đối với các hoạt động tại bệnh viện và kênh bán thuốc tại bệnh viện, do mọi người hạn chế đến những nơi này để tránh lây lan virus.
SSI nhận thấy sự phục hồi mạnh của doanh thu các bệnh viện cũng như doanh thu của các công ty dược phẩm đối với kênh bệnh viện (điển hình như IMP) vào năm 2022 và mức tăng trưởng toàn ngành của phân khúc ETC là 29% so với cùng kỳ. Tăng trưởng doanh thu tại các chuỗi bán lẻ dược phẩm có xu hướng giảm tốc từ mức nền cao trong năm 2021 nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng 23% so với cùng kỳ. Trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19 trong năm 2021, các hiệu thuốc vẫn được phép mở cửa và người dân dự trữ rất nhiều loại thuốc và thực phẩm chức năng.
Hầu hết các công ty đều ghi nhận tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng ở mức hai con số trên mức nền thấp của phân khúc ETC trong năm 2021 dù phải đối mặt với nhiều thách thức như gián đoạn chuỗi cung ứng và chiến dịch chống tham nhũng trong ngành y tế.
Đáng chú ý có thể kể đến như CTCP Dược Hậu Giang (DHG, doanh thu tăng 14% so với cùng kỳ và lợi nhuận ròng tăng 24%), CTCP Traphaco (TRA, lợi nhuận ròng tăng 28% so với cùng kỳ) & CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP, doanh thu và lợi nhuận ròng tăng hơn 20% so với cùng kỳ).
Đối với CTCP Dược – Trang thiết bị y tế Bình Định (DBD), mức nền cao trong năm 2021 và các vướng mắc ở kênh bệnh viện công là nguyên nhân khiến doanh thu giảm 5%, tuy nhiên lợi nhuận ròng tăng nhờ giá vốn hàng bán giảm.
Tuy nhiên, tăng trưởng của ngành y tế và dược phẩm trong năm 2023 sẽ hạn chế, lợi nhuận có thể ghi nhận mức thấp hơn trước khi khá dần lên. SSI kỳ vọng doanh thu ngành sẽ tăng 8%, đạt 169 nghìn tỷ đồng (7,2 tỷ USD) vào năm 2023. Bối cảnh sau đại dịch sẽ ổn định ở hầu hết các khía cạnh, nhưng suy thoái kinh tế có thể làm đình trệ chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe.
Nửa đầu năm 2023 sẽ là khoảng thời gian khó lường đối với nguồn cung hoạt chất (API) và tá dược. Khoảng 65% API được sử dụng trong việc sản xuất thuốc tại Việt Nam là từ Trung Quốc – quốc gia đã mở cửa trở lại; nhưng chúng tôi lo ngại tình trạng thiếu hụt vẫn có thể xảy ra.
Thêm vào đó, cuộc chiến giữa Nga-Ukraine vẫn đang diễn ra, các hoạt chất và thuốc nhập khẩu từ Châu Âu có nguy cơ bị thiếu hụt. Các công ty có thể sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước sẽ giành được vị thế tốt hơn (điển hình là TRA).
Cuộc đua về nâng cấp chất lượng
Nhiều công ty như DHG, IMP, DBD, TRA và Dược Cửu Long (DCL) đang đặt mục tiêu đạt tiêu chuẩn EU GMP cho các cơ sở sản xuất của họ. Các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy đạt tiêu chuẩn EU GMP sẽ được xét vào nhóm thuốc chất lượng cao nhất trong đấu thầu ở bệnh viện công (nhóm 1). Các công ty trong nước hy vọng sẽ đấu thầu được sản phẩm với giá cao hơn trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều loại thuốc nhập khẩu thuộc nhóm này.
Theo ước tính của SSI, chỉ có 6% thuốc trong nhóm 1 được sản xuất trong nước, phần còn lại chủ yếu là thuốc nhập khẩu. Ngoài ra, việc nâng cấp EU GMP sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Tại thời điểm viết báo cáo này, chỉ có 8 công ty sở hữu dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn EU GMP hoặc tương đương tại Việt Nam. Tuy nhiên, với chi phí đầu tư ban đầu và chi phí duy trì cao, các yêu cầu khắt khe và thời gian phê duyệt kéo dài, các công ty sẽ phải cân nhắc việc theo đuổi cuộc đua này hoặc đầu tư vào các mảng khác để có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn.
Xem thêm: INTECH Group – Tư vấn thiết kế, thi công tổng thể nhà máy GMP tại Việt Nam
Nhóm bệnh viện tư nhân sẽ được hưởng lợi
Hoạt động của bệnh viện công gặp nhiều xáo trộn trong năm 2022. Thứ nhất, các bệnh viện công phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế do các rào cản pháp lý trong việc mua sắm và đấu thầu thuốc. Thứ hai, làn sóng nghỉ việc của nhân viên y tế tại các bệnh viện công vẫn tiếp tục do lương thấp, cường độ làm việc lớn và sự kiệt sức sau đại dịch Covid. Hệ quả là nhiều bệnh viện công không thể cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến việc tiêu thụ thuốc và các sản phẩm liên quan tới y tế. Trong khi đó, các bệnh viện tư nhân đang hoạt động tốt, nhờ nguồn nhân lực ổn và ít rào cản pháp lý hơn.
Tình trạng thiếu vật tư và nhân lực tại các bệnh viện công dự kiến sẽ được cải thiện từ quý 2.2023. Bộ Y tế đang đề xuất Luật Khám chữa bệnh sửa đổi để giải quyết những bất cập về khung pháp lý mà các bệnh viện công đang gặp phải, đặc biệt là vấn đề giá khám chữa bệnh thấp và quy trình đấu thầu đã nêu trên.
Trong năm 2023, mức phí khám chữa bệnh ở bệnh viện công sẽ tăng lên và hoạt động bán thuốc kê đơn qua kênh bệnh viện sẽ phục hồi. Cho tới khi vấn đề được giải quyết, nhóm bệnh viện tư nhân sẽ được hưởng lợi từ lượng bệnh nhân mà các bệnh viện công không thể phục vụ.
Nguồn:
Tăng trưởng hạn chế, lợi nhuận ngành dược có thể ghi nhận mức thấp hơn trong năm 2023