Diễn đàn thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thuốc, mỹ phẩm
Ngày 11/3, tại TP Đà Lạt, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã tổ chức Diễn đàn thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thuốc, mỹ phẩm.
Tham dự diễn đàn có đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam; Hiệp hội Tinh dầu, Hương liệu, Mỹ phẩm Việt Nam (VOCA) và hơn 20 doanh nghiệp dược, mỹ phẩm xuất khẩu hàng đầu Việt Nam như: Savipharm, Sao Thái Dương, Danapha, Dược Hậu Giang…
Phát biểu khai mạc, ông Vũ Tuấn Cường – Cục trưởng Cục Quản lý Dược nhấn mạnh, đây là diễn đàn để cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội, doanh nghiệp dược, mỹ phẩm trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và thảo luận các vấn đề liên quan đến quá trình triển khai hoạt động xuất khẩu thuốc, mỹ phẩm.
Tại diễn đàn, Cục Quản lý Dược đã thông tin về thực trạng, tình hình thực tế về xuất khẩu của các doanh nghiệp sản xuất dược, mỹ phẩm của Việt Nam trong thời gian qua. Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) hướng dẫn xây dựng thương hiệu ngành hàng dược, mỹ phẩm.
Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp ngành dược, mỹ phẩm trong nước và nước ngoài cũng đã có những tham luận chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về thực trạng xuất khẩu thuốc, mỹ phẩm và thảo luận, trao đổi các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu thuốc, mỹ phẩm.
Thông tin từ diễn đàn cho biết, Quyết định 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu: Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD”. Hỗ trợ hiệu quả việc quảng bá hình ảnh, sản phẩm thuốc, dược liệu mang thương hiệu quốc gia.
Hiện nay, ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước có quy mô khá lớn về số lượng nhà máy, với 230 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP (trong đó, có khoảng 20 nhà máy đạt EU -GMP) của khoảng 180 Công ty (số liệu này không bao gồm một số lượng lớn các cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền). Các doanh nghiệp trong nước đã tham gia toàn diện trong chuỗi cung ứng trong nước và bước đầu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện nay, các quy định về dược đã đảm bảo thông thoáng tạo thuận lợi để các cơ sở đầu tư sản xuất thuốc xuất khẩu. Đối với thuốc không thuộc danh mục thuốc kiểm soát đặc biệt được xuất khẩu không yêu cầu giấy phép xuất khẩu bao gồm cả thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Trị giá xuất khẩu trong 10 năm vừa qua có sự tăng trưởng ổn định nhưng trong những năm gần đây tốc độ tăng trưởng không cao. Kim ngạch xuất khẩu dược phẩm năm 2022 của Việt Nam khoảng 216 triệu USD. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu thuốc khoảng hơn 3 tỷ USD. Thị trường dược phẩm trong nước khoảng 6,6 tỷ USD, không có “thương hiệu thuốc Việt” trên thị trường thế giới.
Qua đánh giá khảo sát của Cục Quản lý Dược, hiện tại có 59 công ty Dược có xuất khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc với tổng trị giá là khoảng 216 triệu USD. Trong đó, trị giá xuất khẩu của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (trực tiếp và qua sàn chứng khoán) là 176,372 triệu USD (chiếm 81%). Trị giá xuất khẩu của 33 nhà sản xuất trong nước là 39,38 triệu USD (chiếm 19%). Trong số các nhà sản xuất trong nước có xuất khẩu thì Stellapharm và Danapha đã đạt 30,5 triệu USD. Do đó, tổng trị giá xuất khẩu của 31 cơ sở sản xuất trong nước còn lại chưa đạt 10 triệu USD.
Xuất khẩu dược phẩm có tiềm năng lớn nhưng chưa phát huy thế mạnh từ nguồn tài nguyên trong nước đối với các sản phẩm từ dược liệu. Sản phẩm quốc gia là vắc xin chưa tận dụng được lợi thế về chất lượng và các chính sách ưu đãi của nhà nước (IVAC xuất khẩu vắc xin uốn ván qua Lào với trị giá 20.000 USD trong năm 2022).
Lĩnh vực mỹ phẩm, quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam có xu hướng phát triển, với tốc độ tăng trưởng trung bình là 6%/năm, từ 2 tỉ USD năm 2016 lên đến gần 2,7 tỉ USD năm 2021 và dự đoán đến năm 2026, tổng doanh thu ngành hàng mỹ phẩm lên tới 3,5 tỉ USD với tốc độ tăng trưởng trung bình 6%/năm.
Xem thêm: Ngành dược được dự báo gặp nhiều khó khăn trong năm 2023
Giai đoạn 2020 đến đầu 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành mỹ phẩm phải đối mặt với tác động của một số gián đoạn đối với chuỗi cung ứng và áp lực lạm phát. Trong khi trị giá nhập khẩu mỹ phẩm ngày càng tăng với tốc độ tăng trưởng trung bình là 11% thì trị giá xuất khẩu mỹ phẩm những năm gần đây lại có xu hướng giảm. Doanh số bán lẻ mỹ phẩm tại Việt Nam có xu hướng tăng với tốc độ tăng trưởng trung bình là 6%.
Các dạng mỹ phẩm chính tại thị trường Việt Nam: Dạng sản phẩm chăm sóc da chiếm tỉ trọng cao nhất với khoảng 32% tổng doanh thu; sản phẩm chăm sóc tóc chiếm 25%; sản phẩm chăm sóc răng miệng chiếm 12%. Sản phẩm cao cấp chiếm tỉ trọng cao như: Sản phẩm trang điểm 5%, nước hoa 4%.
Quy mô doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm trong nước hiện có 692 cơ sở sản xuất; trong đó có 33 cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận CGMP-ASEAN. Trong các năm từ 2020-2022, chỉ có dạng sản phẩm chăm sóc răng miệng có ghi nhận rõ ràng mức tăng trưởng về khối lượng bán lẻ.
Giá trị xuất khẩu mỹ phẩm của Việt Nam qua các năm có xu hướng tăng từ 136 triệu USD năm 2011 lên 352 triệu USD năm 2018. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu mỹ phẩm bắt đầu giảm nhẹ từ năm 2019 và xuống còn 302 triệu USD năm 2021. Việt Nam đứng thứ 5 trong các nước ASEAN về giá trị xuất khẩu mỹ phẩm. Các dạng sản phẩm mỹ phẩm xuất khẩu đa dạng, chủ yếu là nhóm sản phẩm chăm sóc da, sản phẩm cho tóc, sản phẩm vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân; có cả sản phẩm phân khúc thị trường cao cấp như nước hoa (2%), trang điểm (3%).
Nguồn:
Diễn đàn thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thuốc, mỹ phẩm