Ngành dược có nhiều cơ hội phát triển tại thị trường nội địa
Đại dịch COVID-19 cho thấy việc đứt gãy nguồn cung làm cho vấn đề chăm sóc sức khỏe người dân gặp nhiều khó khăn. Thiếu trang thiết bị y tế, thiếu thuốc, đòi hỏi phải cơ cấu lại nền công nghiệp dược, làm sao để sản xuất trong nước vững chắc và mạnh mẽ, giảm phụ thuộc vào nước ngoài.
Tại hội thảo “Triển khai Nghị Quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược” do báo Đầu tư tổ chức ngày 20.7, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Việt Nam khi tham gia vào thị trường dược phẩm cũng có những lợi thế. Lợi thế lớn nhất của chúng ta là quy mô thị trường lớn với 100 triệu dân. Tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển với nhu cầu chăm sóc sức khỏe cao. Với tốc độ tăng trưởng 11%/năm, ngành dược phẩm dự báo sẽ đạt 16,1 tỉ USD vào năm 2026. Quy mô thị trường tăng trưởng nhanh khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường này.
Báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp mới đây về dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045, cho thấy, từ năm 2011 đến nay, ngành dược đã đảm bảo cung ứng thuốc có chất lượng với giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng bệnh. Sản xuất thuốc mở rộng về quy mô với 228 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong đó có 18 dây chuyền đạt tiêu chuẩn EU-GMP. Tổng giá trị thị trường dược phẩm năm 2022 ước khoảng 6,2 tỉ USD. Vaccine sản xuất trong nước đáp ứng 11/12 loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Xem thêm: Khó khăn trong xây dựng nhà máy GMP
Hoạt động quản lý phân phối, cung ứng thuốc ngày càng được chuẩn hoá, chuyên nghiệp, tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân.
Tuy nhiên, nhiều nhà máy thuốc trong nước chỉ đầu tư dây chuyền sản xuất các dạng bào chế, tập trung vào những loại thuốc thông thường, thuốc đánh giá tương đương sinh học với thuốc phát minh (thuốc generic); chưa tiếp cận, áp dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật bào chế mới, sản xuất thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc phát minh (biệt dược gốc). Hơn 90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước phải nhập khẩu. Tiềm năng, thế mạnh về nguồn dược liệu và nền y học cổ truyền chưa được phát huy.
Bên cạnh đó, ngành dược rất thiếu nhân lực trong lĩnh vực dược lâm sàng, quản lý chất lượng, nghiên cứu phát triển thuốc mới. Sử dụng thuốc trong điều trị chưa hợp lý.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù đã ban hành nhiều cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm, tuy nhiên kết quả vẫn chưa đạt được kỳ vọng như mong muốn.
Việt Nam mong muốn phát triển ngành dược theo hướng phát triển sản phẩm mới, thuốc biệt dược và thuốc phát minh; nhận được chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất dược.
Vì vậy, dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (Chiến lược) hướng đến sản xuất thuốc phát minh, có dạng bào chế mới, hiện đại; tham gia cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại cộng đồng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá và thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược phẩm…
Hiện nay, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực y dược đã có nhiều thay đổi theo hướng tập trung vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao công nghệ… Do đó, cần những cách tiếp cận mới trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế, dược phẩm để thu hút tốt nguồn lực, công nghệ, góp phần thực hiện mục tiêu chung của đất nước là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.
Theo Báo lao động