“Viên ngọc quý” giá trị có thể lên đến 33,8 tỷ USD của Việt Nam
Mục Lục Bài Viết
Ngành dược Việt Nam trong 6 tháng đầu năm kinh doanh ra sao?
Cùng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng cao, ngành dược phẩm Việt Nam nhận được đầu tư lớn từ các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Theo số liệu thống kê của Cục Phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện tại, Việt Nam có khoảng 180 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm và 224 cơ sở sản xuất nhà máy trong nước đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc)
Xem thêm: GMP là gì?
Trong báo cáo vừa công bố của Công ty chứng khoán Bảo Việt, trong nửa đầu năm 2023, kênh ETC (bệnh viện) phục hồi mạnh mẽ so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do năm 2023 là thời điểm mà các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành dược bắt đầu có hiệu lực, đem lại những kết quả vô cùng tích cực, tạo điều kiện cho kênh ETC phát triển trong dài hạn.
Điển hình trong số đó là việc gia hạn số đăng thuốc (Nghị quyết 80/2023/QH15) có hiệu lực từ tháng 1/2023, và Thông tư số 06/2023/TTBYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, tháo gỡ các khó khăn liên quan đến đấu thầu thuốc, giá thuốc có hiệu lực kể từ ngày 27/04 đã giúp cho kênh ETC tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, các dịch bệnh như Covid-19 (với sự xuất hiện của biến chủng XBB.1.16), dịch thủy đậu, tay chân miệng,… bùng phát khiến nhu cầu sử dụng thuốc tại các cơ sở y tế công lập tăng cao. Ngoài ra, lượng hàng cung cấp đã có dấu hiệu cải thiện và tương đối đầy đủ tại các bệnh viện, đồng thời, thuốc ngoại đã được nhập về nhiều hơn so với trước đây.
Kết quả là hoạt động đấu thầu thuốc ETC đã có mức tăng trưởng đáng kể trong nửa đầu năm với giá trị trúng thầu kênh bệnh viện đạt 27.477 tỷ đồng (tăng 84%/năm). Các doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu kênh ETC lớn như DBD, IMP,… đều ghi nhận mức tăng hai chữ số, lần lượt đạt 35% và 118%.
Kênh OTC (nhà thuốc) trong 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận tăng trưởng một chữ số. Kênh OTC đang có xu hướng giảm do nhu cầu giảm và tác động của khó khăn toàn cầu, cũng như sụt giảm kinh tế tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2023, thị trường OTC vẫn duy trì được đà tăng trưởng một chữ số trong 6 tháng đầu năm. Các doanh nghiệp đầu ngành như DHG, IMP, DBD,… có mức tăng trưởng kênh OTC lần lượt 9%, 8,4% và 7%. Một số công ty có một số cty tăng trưởng âm, kéo theo sự giảm tăng trưởng chung của ngành.
Trong 6 tháng cuối năm, kênh ETC dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh khi Nhà nước đưa ra chính sách mới ưu tiên sử dụng thuốc generic và giảm sử dụng biệt dược gốc trong khám chữa bệnh để giảm gánh nặng tài chính lên quỹ bảo hiểm do giá của thuốc biệt dược gốc cao gấp 7-8 lần so với giá thuốc generic.
“Chúng tôi nhận định dự địa tăng trưởng kênh ETC trong nước vẫn còn lớn trong dài hạn. Fitch Solution ước tính doanh thu thuốc Generic tại Việt Nam trong 2023 khoảng 97 nghìn tỷ, tăng 11%/năm. Thị phần thuốc generic tăng từ 55,8% vào năm 2021 lên 60,2% trong 2026, với tốc độ tăng trưởng 19%/năm”, báo cáo của Bảo Việt phân tích.
Tuy nhiên, cũng như 6 tháng đầu năm, kênh OTC dự báo cũng sẽ tăng trưởng chậm lại trong 6 thánh cuối năm. Bởi lẽ, suy thoái kinh tế tiếp tục làm hạn hẹp túi tiền người dân nên họ giảm mua thuốc, thực phẩm chức năng tại các nhà thuốc giảm đi, thay vào đó là tận dụng bảo hiểm xã hội để khám/chữa bệnh.
Triển vọng phát triển cho ngành dược trong nước
Báo cáo của Bảo Việt cho biết, thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam chiếm 6% GDP, dự báo tăng đến 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD năm 2030. Trong đó, riêng về thị trường dược phẩm, Việt Nam đang trên đà tăng trưởng với tổng giá trị từ 3,4 tỷ USD năm 2015 lên đến gần 7 tỷ USD năm 2022. FitchSolution dự báo doanh số dược phẩm tại Việt Nam đạt 165 nghìn tỷ trong năm 2023 và 230 nghìn tỷ vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 6,8%/năm.
Kênh ETC là động lực tăng trưởng ngành dược trong dài hạn. Kênh ETC ước tính có mức tăng trưởng 7,5% trong giai đoạn 2023-2027. Trong đó, thuốc Generic chiếm tỷ trọng lớn dần trong cơ cấu doanh thu kênh ETC, từ mức 75% trong 2023 lên 79% trong 2027.
Các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước bắt đầu cuộc chạy đua nâng cấp nhà máy đạt chuẩn EU – GMP để mở rộng thị phần trong kênh ETC. Theo cục Quản lý dược Việt Nam công bố đến tháng 6/2023, chỉ có 6 doanh nghiệp nội địa có nhà máy đạt chuẩn EU-GMP. Các doanh nghiệp như TRA, DCL, DBD đang tích cực nâng cấp nhà máy lên tiêu chuẩn EU GMP để hỗ trợ tăng trưởng trong dài hạn.
Xem thêm: Tiêu chuẩn GMP-EU
Mặc dù, kênh bán lẻ thuốc OTC bị thu hẹp do nhu cầu mua thuốc kê đơn tăng nhưng vẫn sẽ được duy trì mức tăng trưởng 6%/năm trong 5 năm tới, kỳ vọng duy trì tăng trưởng đều đặn trong dài hạn.
Nguyên nhân là do thói quen mua thuốc ngoài của người dân (những bệnh “vặt” thường tự chữa trị tại nhà); nhận thức tăng cường sức đề kháng của người dân tăng cao sau đại dịch Covid-19, dẫn tới sản phẩm hỗ trợ tăng sức đề kháng và vitamin bổ sung tăng; và các chuỗi nhà thuốc hiện đại thu hút khách hàng nhờ đa dạng hóa sản phẩm, không chỉ sản phẩm thuốc mà còn kết hợp mỹ phẩm, thiết bị và dung cụ y tế, các sản phẩm chăm sóc cá nhân,…
Nguồn: Cafebiz